Tài chính tuổi 30
Bài viết này là quan điểm cá nhân, tôi tự mình trải nghiệm một phần, còn một phần khác là thông qua bạn bè, người thân ở xung quanh.
Sai lầm 1: Tiêu dùng trước khi kiếm được tiền
Ngày nay đi đâu bạn cũng sẽ bị dụ dỗ mua hàng, xem Youtube, lướt Tiktok, đọc tin tức chính thống cũng không thoát được. Mỗi tháng sàn nào cũng sale "sập sàn" thì người mua cũng sạch ví. Mà điều đáng tiếc nhất đó là phần lớn những thứ chúng ta mua là không phải thiết yếu theo nhu cầu của bản thân, mà đó là những món có cũng được, không có không sao.
Tâm lý chung của mọi người đều là kiểu "sắp có lương rồi, mua sắm thôi" hoặc là "cứ mua để thỏa mãn trước, tháng sau tiết kiệm lại". Nhưng thường thì tháng sau cũng sẽ như vậy, cứ tiếp diễn mãi mãi cho đến 1 ngày bạn nhận ra là bạn đã qua 30 mà không tích góp được bao nhiêu, thậm chí còn nợ ngân hàng mấy chục triệu.
Ở mức thu nhập nào cũng sẽ có mức sống tương ứng, bạn mua sắm vượt quá mức cần thiết sẽ khiến tình hình tài chính cá nhân trở nên tồi tệ, dù thu nhập tốt cũng không thể bù đắp được. Từ đó sinh ra nợ nần, lấn cấn tiền bạc với người khác. Liệu đó có phải là cuộc sống bạn mong muốn?
Lời khuyên mà không phải ai cũng muốn nghe: Luôn ước lượng chính xác nhất có thể số tiền tiêu trong tháng để lập kế hoạch cho tháng tiếp theo. Không mua sắm theo cảm xúc và biết rõ mình đang có bao nhiêu tiền.
Sai lầm 2: Bẫy làm giàu
Làm giàu là chính đáng, có liều mới ăn nhiều sao gọi là bẫy? Tôi gọi nó như vậy là vì bạn đầu tư không đủ tỉnh táo, phần lớn là do nghe người khác nói có vẻ dễ ăn sau đó hùa theo chứ không thật sự giỏi về lĩnh vực đó. Ví dụ như hot nhất hiện nay có lẽ là đầu tư tiền số, sau đó rồi tới bất động sản, chứng khoán...
Cách nghĩ của tôi lúc đó là "thấy bạn bè xung quanh phất lên nhanh quá", rồi tự cảm thấy mình tụt lại phía sau. Nên một động lực thôi thúc bỏ tiền ra nó cũng lớn hơn dù biết rằng chỉ là tay mơ trong thị trường. Cuối cùng, bạn như là con cá nhỏ trong 1 đàn cá khác tất cả đều bơi vào miệng của 1-2 con cá mập.
Khi tham gia đầu tư, tâm lý chung của mọi người đó là "mình sẽ làm gì với số tiền thắng cuộc", chứ ít ai dám nghĩ đến khả năng mất trắng lắm. Cho nên cái bẫy tâm lý này sẽ khiến bạn lao vào cuộc chơi mà bạn không thật sự hiểu rõ. Càng thua, bạn càng hoang mang và càng đổ thêm tiền vào nó. Ít người có thể cắt lỗ đúng lúc, phần lớn là đợi đến mức cạn vốn mới dừng lại.
Lời khuyên (mà chắc cũng không ai nghe): Chỉ nên chơi nhỏ tích lũy kinh nghiệm nhiều năm, có thua có thắng để nếu có vấn đề cũng không ảnh hưởng tới cuộc sống hiện tại của bạn.
Sai lầm 3: Chọn sai mức sống
Nghe có vẻ buồn cười nhưng thật ra là tôi đã thấy nhiều người như vậy rồi. Bạn chi bao nhiêu cho ăn uống một tháng? Tiền nhà của bạn là bao nhiêu? Tiền mua sắm trang phục của bạn? Nếu nó quá cao khiến bản luôn trong tình trạng thiếu thốn tiền bạc thì chắc chắn mức sống đó chưa phải dành cho bạn. Hãy cố gắng làm việc nhiều hơn, thông minh hơn để đạt được nó trong tương lai, còn bây giờ bạn nên kìm hãm lại một chút.
Bạn có quyền tiêu sạch số tiền bạn kiếm được, tôi tôn trọng điều đó, nhưng bài viết này là dành cho những người muốn có tài chính an toàn chứ không phải là kiểu người liều lĩnh và phóng khoáng.
Theo tôi, chi tiêu phù hợp với bản thân là quan trọng nhất. Đơn cử việc đi thuê nhà, nếu chỉ có 2 vợ chồng và 1 đứa con, một căn hộ nhỏ với 2 phòng ngủ là đủ tốt rồi. Tại thời điểm 2022, giá thuê chỉ từ 5-8 triệu tùy khu vực. Với thu nhập cả gia đình là 40 triệu đồng, sẽ rất áp lực nếu bạn phải trả tiền thuê nhà từ 12-18 triệu đồng. Tương tự việc mua xe ô tô trả góp cũng như vậy.
Lời khuyên cho việc đã rồi: Luôn để một khoảng dư lớn mỗi tháng trong tài khoản. Nó vừa là backup cho những việc gấp, cũng vừa là để tâm lý của bản thân cảm thấy an tâm. Chỉ khi tâm lý bạn tốt thì bạn mới có tinh thần mà phấn đấu.
Sai lầm 4: Sĩ diện hão
Ở tuổi 30 bạn dễ bị cái bệnh này lắm nha. Sĩ diện với người yêu, với gia đình bên vợ, với bạn bè, với đồng nghiệp vô hình chung tự vác đá lên thân. Áp lực là tốt, nhưng áp lực tích cực mới tốt, áp lực do sĩ diện khó tạo động lực phấn đấu lắm.
Khi ra đường, đàn ông coi trọng mặt mũi, có thể bạn không thành thật với người khác, nhưng phải thành thật với chính bản thân mình, với gia đình và người thân.
Lời khuyên: Ở một nền văn hóa như Việt Nam, chúng ta cần một chút khéo léo để cuộc sống trở nên thuận lợi. Đừng quá buộc trực cũng đừng "nổ" quá mức, sự bí ẩn luôn khiến người khác phải tò mò và dè chừng.
Tổng kết
Hãy cố gắng để đừng bao giờ phải lao đao vì tiền bạc, phải đi vay nợ khắp nơi. Trong khi chúng ta hoàn toàn có thể tránh được những sai lầm cơ bản như đã nói trên. Đừng để cảm xúc chi phối khi tiêu dùng. Tỉnh táo lên các bạn!