Thực sự thì việc nhận góp ý từ người khác không phải việc dễ chịu gì, nhất là với thứ mà bạn đang xem là tâm đắc. Lúc này người ta sẽ có các hướng suy nghĩ như sau:

  1. Thằng này trình gà qué, chả biết mẹ gì mà dám ý kiến với ông. Nhưng mà thôi, sợ không khí mất vui nên nhịn :)
  2. Ờ, mày nói cũng đúng nhưng bố đ* phục. Giả đò cười trừ cho qua.
  3. À há, chú nói không sai, chỉ là anh có suy nghĩ của cá nhân anh nên cái đó gọi là phong cách. Mà phong cách thì làm gì có thằng nào ý kiến được. Anh đây bảo vệ luận điểm tới cùng.
  4. Trời ơi! Cảm ơn mày nha, mày đã cứu rỗi cuộc đời tao. Tao đội ơn mày lắm lắm... (Tình huống này không xảy ra đâu các bạn ạ!)

Có thể thấy, rất ít thậm chí không có người nào mà thật sự thoải mái khi nhận chỉ trích và góp ý theo hướng xấu đối với công việc, sản phẩm của họ.

Ở trường học, các thầy cô luôn dạy bạn từ lúc còn nhỏ rằng phải tiếp nhận ý kiến của người khác một cách bình thản. Nhưng đó chỉ là lời dạy lý thuyết một cách trắng trợn và thiếu trách nhiệm. Bởi vì ngay cả bản thân những người có kinh nghiệm đầy mình, sống hơn nửa đời còn chưa đủ tâm mà tĩnh nữa là. Bởi vậy, một khi ta còn quan tâm cái gì thì sẽ còn trăn trở vì cái đó. Nhưng nếu vứt bỏ hết tất cả sợ rằng ta cũng không còn là chính ta.

Nói đi thì cũng phải nói lại, bạn đi ý kiến người khác thì cũng phải chọn đúng lúc, đúng nơi, đúng cách. Tùy theo mục đích của bạn là gì:

  1. Lấy lòng tạm thời: cứ khen đi, nhưng không nên thái quá.
  2. Lấy lòng lâu dài: lúc thấy sai không nên nói gì cả mà đợi sau này hãy nói. Cũng không nên nói thẳng mà nên nói khéo léo đủ để người ta hiểu ra sai lầm. Khen trước chê sau là cách phổ biến.
  3. Ghét nên chọc cho nó tức: rất dễ, cố gắng dây dưa cho nhiều vào là được. Nhưng bạn mà cũng tức giận thì kết quả phản ngược lại bạn.
  4. Thật sự có ý xây dựng không có ý gì khác: cứ thẳng thừng cái sai mà nói không lôi thôi rườm ra.

Nếu bạn chọn số (4) thì dễ khiến bạn mất nhiều mối quan hệ (tôi đã từng trải qua rất nhiều). Nhưng cái lợi thì cũng lớn lắm. Bạn sẽ lọc được một đống "bạn xã giao", vì những người thực sự muốn kết giao với bạn sẽ chấp nhận tính cách của bạn. Không phải duy trì nhiều mối quan hệ thì hoạt động xã hội của bạn cũng sẽ thấp xuống một chút, có nhiều thời gian tập trung vào chuyên môn.

Tức giận, xấu hổ là cảm nhận chung khi bị người khác góp ý. Mỗi người, tùy theo bản lĩnh mà có phản ứng khác nhau. Cả người góp ý và bị góp ý phải nhận thức rõ được kết quả sau đó để có hành động đúng đắn nhất, thích hợp nhất. Theo tôi, trước hết cứ phải cảm ơn người góp ý trước. Sau đó, xem lại "sai lầm" có thật sự là sai lầm hay không. Nếu có thì nên nhận sai ngay, nếu không thì cho bình luận.

Về cơ bản, trước lúc hành động mà cảm xúc không tốt thì rất dễ làm hỏng việc.

Lời khen thì dễ tiếp nhận và nghe rất sướng nhưng nó ít khi khiến ta tiến bộ mà thường khiến ta trầm mê trong một thời gian dài. Trước khi ngủ bạn hãy thử đặt tay lên trán và nhìn lại những quãng thời gian trong quá khứ thử xem. Thời điểm ngọt ngào nhất trong cuộc đời bạn có phải là lúc được người ta khen thưởng với chút hư vinh hay là lúc bạn tranh đấu vì một thứ gì đó đặc biệt?